Ngày càng nhiều các bạn sinh viên quyết định đi làm thêm ngay từ năm nhất, không chỉ vì muốn có nguồn thu nhập ổn định hàng tháng mà còn bởi 6 lợi ích như:
1.1. Cơ hội trải nghiệm thực tế, tìm kiếm đam mê đích thực
Bắt đầu ngay từ những năm Đại học, sinh viên có thể thử nghiệm các ngành nghề khác nhau, từ đó biết được mình thực sự thích gì hoặc không thích gì, liệu công việc thiên về học thuật bàn giấy hay hoạt động thể chất sẽ phù hợp với bạn hơn? Tất cả sẽ là những cảm nhận thực tế, giúp sinh viên đưa ra những quyết định đúng đắn nhất về đam mê mà mình sẽ gắn bó theo đuổi trong đời.
1.2. Xây dựng những mối quan hệ bền vững
Cuốn sách nổi tiếng “Đừng bao giờ đi ăn một mình" của nhà văn kiêm doanh nhân rất thành công người Mỹ - Keith Ferrazzi khẳng định tầm quan trọng của việc kết nối xã hội.
Việc đi làm thêm sẽ giúp sinh viên mở rộng vòng tròn kết nối với những người quản lý, đồng nghiệp và ngay cả những khách hàng mà bạn phục vụ. Những mối quan hệ này sẽ mang lại nhiều lợi ích cho bạn như cơ hội công việc tốt hơn, trợ giúp trong việc học tập trong hay ngoài trường, sự tin tưởng khi bạn cần,...
1.3. Nâng cao kiến thức
Học hỏi thêm nhiều điều mới mẻ, mở rộng tư duy, góc nhìn cũng là một lợi ích to lớn mà sinh viên năm nhất có được khi sớm đi làm.
Nhiều bạn sinh viên chỉ học lý thuyết, dễ bị ngỡ ngàng và không kịp thích ứng với công việc khi ra trường. Do đó, đi làm thêm là cơ hội để các bạn sinh viên năm nhất tiếp xúc với các những vấn đề phát sinh tại nơi làm việc, được kích thích đào sâu, mở rộng kiến thức để xử lý vấn đề. Từ đó, sinh viên sẽ nâng cao hiểu biết cá nhân và phát triển trong công việc.
Đặc biệt, nếu công việc làm thêm của bạn liên quan đến chuyên ngành đang học thì đó là một cách tuyệt vời để vận dụng lý thuyết vào thực tế, vừa hỗ trợ việc học, vừa là điểm cộng để bạn gây ấn tượng với nhà tuyển dụng trong các buổi phỏng vấn tìm việc làm.
1.4. Rèn luyện sức khỏe
Lợi ích này nhận được từ các công việc làm thêm đòi hỏi vận động, ví dụ như chạy bàn, tiếp thị, bán hàng… Sự khẩn trương, gấp rút về thời gian cũng như các yêu cầu liên quan đến công việc khiến bạn không thể đủng đỉnh, chậm trễ.
Vì thế mà nhiều sinh viên năm nhất vốn hướng nội, nhút nhát nhưng khi đảm nhận các công việc part time, đòi hỏi sự vận động linh hoạt cũng trở nên nhanh nhẹn, bạo dạn hơn.
1.5. Cải thiện kỹ năng mềm
Đi làm thêm là một cách giúp sinh viên năm nhất rèn luyện tổng hợp các kỹ năng, đặc biệt là các kỹ năng mềm cần thiết cho công việc và cuộc sống. Ví dụ với công việc lễ tân hay phục vụ, bạn có thể luyện tập kỹ năng giao tiếp với nhiều ngôn ngữ không tiếng Việt mà cả tiếng Anh, tiếng Hàn, tiếng Nhật,... Công việc bán hàng sẽ giúp bạn cải thiện kỹ năng đàm phán, thuyết phục khách hàng,...
Vừa đi học và vừa đi làm cũng phát huy kỹ năng quản lý thời gian, sắp xếp, tổ chức các tác vụ hiệu quả để hoàn thành tốt nhất cả hai hoạt động này trong khả năng cá nhân. Bên cạnh đó còn nhiều kỹ năng khác sinh viên có thể học hỏi thêm như làm việc nhóm, hoàn thành công việc dưới áp lực, tư duy sáng tạo…
>>> Xem thêm: Viết CV tìm việc hiệu quả thu hút nhà tuyển dụng
1.6. Gia tăng thu nhập, tự chủ tài chính
Thu nhập từ công việc làm thêm của sinh viên năm nhất thường không giới hạn (từ 1 triệu đến 5 - 7 triệu đồng/tháng), từ công việc phục vụ nhà hàng với mức lương 20.000 - 25.000 VNĐ/ giờ cho tới làm gia sư với mức lương khoảng 200.000 VNĐ/2 giờ.
Tuỳ thuộc vào khả năng, quỹ thời gian bạn dành ra để đi làm thêm mà thu nhập sẽ khác nhau. Nhiều bạn sinh viên đã có thể tự chủ tài chính ngay từ những năm nhất Đại học, tiết kiệm tiền giúp gia đình hoặc có kế hoạch đầu tư dài hạn trong tương lai.
Đi làm thêm có nhiều lợi ích, ưu điểm vậy mà tại sao vẫn có bạn băn khoăn sinh viên năm nhất có nên đi làm thêm không. Bởi vì nó vẫn có những mặt trái, cần bạn thực sự cân nhắc và cân đối trong cuộc sống hàng ngày của mình.
Đi kèm với 6 lợi ích mà việc đi làm thêm từ năm nhất Đại học có thể mang lại cho sinh viên thì các bạn cũng nên cân nhắc 3 điều sau đây:
2.1. Mất nhiều thời gian
Nhiều sinh viên năm nhất chưa có kinh nghiệm tìm việc, không biết mình thực sự phù hợp với công việc gì nên chỉ riêng công đoạn tìm kiếm việc part time đã “ngốn” rất nhiều thời gian. Ngoài ra, công việc làm thêm sẽ cần khoảng 4 đến 5 tiếng mỗi ngày - đồng nghĩa với việc bạn phải hy sinh một vài thói quen, sở thích cá nhân, những cuộc vui với bạn bè,...
Thậm chí, nếu không cân bằng được thời gian, việc làm thêm đôi khi còn làm bạn xao nhãng bài vở, học lại, trượt môn, không những mất thời gian học lại mà còn mất thêm tiền.
2.2. Ảnh hưởng đến sức khỏe
Vừa học vừa làm nên nhiều bạn không chịu được áp lực, dễ cảm thấy mệt nhọc, căng thẳng, chán chường. Đó là chưa kể, nếu sinh viên năm nhất chọn các công việc chân tay quá nặng nhọc thì rất dễ gây ảnh hưởng đến sức khỏe. Ngược lại, một công việc văn phòng ít vận động cũng khiến cơ thể bạn yếu dần và giảm sự linh hoạt, nhanh nhẹn.
Vậy nên, sinh viên cần nhận thức rõ năng lực cũng như sở thích của bạn thân để tìm kiếm công việc phù hợp.
2.3. Dễ bị lừa lọc mất tiền
Chọn việc làm thêm không phù hợp chính là bạn đang lãng phí sức khỏe và thời gian, trong khi đây chính là 2 yếu tố tiên quyết cần có để bạn làm ra tiền bạc. Đôi khi, vì chưa có kinh nghiệm nên sinh viên năm nhất dễ bị lừa lọc, trả lương thấp hơn so với năng lực, thậm chí “bùng” lương. Kết quả là đi làm vừa hao tâm tổn sức, xao nhãng học hành nhưng thu về là con số 0, kèm thêm cả sự bực bội. Lưu ý các kênh tuyển dụng chính thức tại AEON MALL Tân Phú Celadon: tại đây
>>> Xem thêm: Viết CV tìm việc hiệu quả thu hút nhà tuyển dụng
Nhiều lời khuyên cho rằng sinh viên năm nhất, năm 2 nên tập trung cho việc học và tham gia câu lạc bộ (CLB) để hòa nhập môi trường mới thay vì đi làm thêm. Tuy nhiên, quan điểm này không còn phù hợp với thế hệ GEN Z năng động, thích ứng nhanh và thử thách bản thân ở nhiều lĩnh vực. Hơn nữa, nếu bạn có khả năng sắp xếp thời gian tốt thì việc đi làm thêm mang lại không ít lợi ích, giúp bạn trưởng thành, bản lĩnh hơn.
Vậy nên, lời khuyên cho các sinh viên năm nhất có nên đi làm thêm đó là trong khoảng thời gian 1 kỳ học đầu tiên, các bạn nên tập trung vào việc cân bằng, hoà nhập với môi trường mới, tham gia các CLB để mở rộng mối quan hệ… Sau đó, bạn có thể bắt đầu tìm hiểu các công việc làm thêm phù hợp với năng lực và quỹ thời gian của mình.