Mùa nắng lại tới rồi, trời nóng uống gì cho mát đây?
Đối phó với thời tiết này, không gì tốt bằng một ly nước uống giải nhiệt từ thiên nhiên. Không khó để tự nấu cho mình một bình nước uống mát gan, thanh nhiệt giải độc mùa hè. Những món nước dưới đây cực kỳ dễ nấu, nhưng hương vị phải gọi là tuyệt hảo, chắc chắn là thứ mỹ vị Á Đông dễ tìm dễ làm nhất cho ngày hè oi bức khó chịu!
Nước râu ngô là một lựa chọn tuyệt vời để giải khát trong những ngày nóng nực của mùa hè bởi hương vị ngọt dịu và tươi mát. Bên cạnh giải khát, loại nước giải nhiệt này cũng mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe tim mạch và hệ tiết niệu. Có tính lợi tiểu nên loại thức uống này cũng giúp giảm phù nề hiệu quả, tạo cảm giác nhẹ nhàng và thoải mái cho cơ thể trong những ngày hè khó chịu.
👉 Công thức nấu nước râu ngô giải nhiệt cơ thể:
100g râu ngô
100g mía lau đã gọt vỏ
1 bó lá dứa (từ 3 – 5 lá).
150g đường phèn (có thể cho đường hoặc không)
1.5 lít nước lọc
Sau khi rửa sạch nguyên liệu, cho râu ngô, lá dứa, mía lau và nước lọc vào nồi và đậy nắp, đun với lửa nhỏ. Khi hỗn hợp sôi già, tắt bếp và lọc lấy nước trong. Sau đó thêm đường phèn vào khuấy nhẹ cho tan đều. Sau khi đường tan hết, đun nồi nước thêm một lần nữa đến khi sôi là hoàn thành. Bạn để nguội, sau đó có thể bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh và uống dần.
Râu ngô - Nước uống giải nhiệt mùa hè
Không chỉ là một loại nước giải nhiệt mùa hè đơn thuần, nha đam đường phèn có hiệu quả trong việc hỗ trợ tiêu hóa và kháng viêm. Do chứa chất xơ hòa tan, loại nước này giúp hệ tiêu hóa được kích thích để hoạt động trơn tru hơn. Nha đam đường phèn còn chứa một số loại acid amin và polyphenol có khả năng chống vi khuẩn và kháng viêm tự nhiên. Bổ dưỡng mà lại cực kỳ dễ uống, với nha đam đường phèn, bạn không cần phải có “thuốc đắng” mới “giã tật”!
👉 Công thức nấu nha đam đường phèn nhanh - gọn - dễ dàng:
1 nhánh nha đam
50g đường cát
100g đường phèn
Một ít muối
1 lá dứa
1 lát chanh
1 lít nước lọc
Đầu tiên bạn gọt vỏ nha đam, cắt nhỏ và ngâm với nước muối, lát nhanh thật loãng. Sau đó rửa nhẹ nhàng bằng nước sạch cho giảm nhớt tối đa rồi để ráo. Sau đó trộn nha đam với đường cát cho tan đều. Trong lúc chờ, bạn đun sôi 1 lít nước cùng đường phèn và lá dứa, sau khi đường tan hết cho nha đam vào và đợi sôi thêm lần hai thì tắt bếp.
Nha đam đường phèn - Nước uống mát lạnh cho ngày hè
Nước mủ trôm hạt chia là một loại nước giải khát mùa hè giàu dinh dưỡng. Loại đồ uống này không chỉ cung cấp năng lượng lâu dài mà còn giúp giảm cảm giác đói và kiểm soát cân nặng khi không dùng kèm đường. Đồng thời, chất xơ từ hạt chia cũng cải thiện chức năng tiêu hóa và hỗ trợ sức khỏe đường ruột, axit béo omega-3 từ hạt chia lại có thể giúp bảo vệ sức khỏe tim mạch.
100g lá dứa (lá nếp)
20g mủ trôm khô
1,5 lít nước lọc
100g đường phèn
1 muỗng hạt chia
Ngâm mủ trôm với nước lạnh từ qua đêm (khoảng 12 đến 15 tiếng). Lúc nấu, đem hạt chia ngâm với nước lạnh trong 20-30 phút. Rửa sạch lá dứa, đun với với lọc và cho thêm đường phèn (tùy khẩu vị). Sau khi nước sôi, tắt bếp để nguội và cho mủ trôm, hạt chia vào trộn đều và hoàn thành.
Trời nóng uống gì cho mát? Tất nhiên là mủ trôm hạt chia rồi!
Bạn vẫn thường thấy Atiso là thành phần chính trong các thực phẩm chức năng hỗ trợ chức năng gan bởi tính kháng viêm, giải độc. Trà Atiso lá dứa giúp cải thiện chức năng tiêu hóa và ngăn chặn táo bón hiệu quả. Đồng thời, các thành phần chống oxy hóa và chất chống vi khuẩn trong trà Atiso lá dứa có thể hỗ trợ sức khỏe tim mạch và tăng cường hệ thống miễn dịch.
Để nấu trà Atiso lá dứa, bạn cần chuẩn bị các nguyên liệu sau:
3 bông atiso
1 bó lá dứa
Ít đường phèn tùy khẩu vị
3 lít nước lọc
Cho hoa Atiso và lá dứa vào nồi nước lạnh, đun đến khi sôi thì hạ nhỏ lửa đến khi Atiso chín mềm và ra hết chất ngọt. Thời gian này kéo dài khoảng 1 tiếng đến 2 tiếng. Sau đó bạn nêm lại vị nước, nếu đã đủ độ ngọt từ hoa thì không cần cho thêm đường phèn.
Trà Atiso lá dứa - Nước uống mát gan thanh lọc cơ thể
Cần tây được biết đến với công dụng hỗ trợ điều trị mụn trứng cá, nhọt và các triệu chứng lở loét nhờ khả năng giảm viêm hiệu quả. Nhưng hương vị của loại rau này khá kén người dùng, nhưng khi kết hợp cần tây với táo lại ra một loại nước ép cực kỳ bắt miệng. Táo vừa có vị ngọt tự nhiên, vừa chứa nhiều chất chống oxy hóa, mùa hè này không thể thiếu một ly cần tây ép táo rồi nhỉ?
Công thức của loại nước giải khát này cũng cực kỳ đơn giản, dễ làm:
3 nhánh cần tây
1 quả táo
Ít muối
Về rau cần, nếu được bạn nên chọn loại rau hữu cơ. Về phần táo, bạn nên cân nhắc mua các loại táo ít can thiệp hóa chất, phân bón (các loại táo này trên tem có 4 chữ số bắt đầu bằng số 4). Chọn táo không bị dập hay chín quá vì sẽ dễ làm nước ép có mùi chua lên men. Sau đó rửa nguyên liệu bằng nước muối hoặc các sản phẩm rửa rau củ chuyên dụng. Cắt nhỏ rau cần và gọt táo, cho vào tủ mát tầm 10-15 phút thì đem ép sẽ lấy được nhiều nước hơn.
Tạm biệt mụn trứng cá đáng ghét với nước ép táo cần tây!
Được biết đến với chỉ số đường huyết thấp, nước gạo lứt rang không đường giúp kiểm soát đường huyết và hỗ trợ người mắc tiểu đường. Bên cạnh đó, do có chất béo tốt và không chứa cholesterol, nước gạo lứt rang cũng hỗ trợ trong quá trình giảm cân và duy trì cân nặng, đồng thời giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch và các vấn đề về mỡ máu.
100g gạo lứt
1 lít nước lọc
Ít muối
Gạo lứt có rất nhiều loại, bạn có thể chọn mua tại chợ hoặc mua gạo lứt đỏ, lứt đen hoặc tím hữu cơ của Kim Thiên Lộc, được trồng tại vùng U Minh Thượng Kiên Giang. Bạn đãi gạo lứt, loại bỏ các hạt lép, bụi hay sâu mọt. Rửa với nước sạch để loại bỏ các tạp chất, sau đó đem phơi dưới nắng cho ráo. Khi gạo đã khô, bạn nhấc lên bếp rang với lửa nhỏ, đảo đều tay, đến khi có mùi thơm như cháo là được. Sau đó đổ nước vào gạo, đậy nắp nấu sôi lên là hoàn thành. Nếu còn dư gạo lứt rang, bạn có thể để lại và hãm nước sôi để dùng như trà khô.
Nước gạo lứt rang - Hỗ trợ kiểm soát đường huyết
Nước rễ tranh mía lau có lợi ích trong việc làm dịu đau cơ, hỗ trợ tiêu hóa và giảm căng thẳng. Loại nước giải khát này có khả năng lợi tiểu, thanh lọc cơ thể và đào thải độc tố. Quá trình này có thể giúp giảm gánh nặng cho gan và thận trong việc loại bỏ chất độc.
Bạn dễ dàng mua được các nguyên liệu dưới đây tại chợ
300g rễ tranh
4 – 5 khúc mía lau
300g lá dứa
500gr đường phèn
2 – 3 lít nước lọc
Sau khi đã rửa sạch tất cả nguyên liệu, hãy đặt chúng vào nồi và nấu cùng 2 - 3 lít nước lạnh. Sau khi nước sôi, bạn đợi thêm 10 - 15 phút nữa, sau đó hãy dùng vớt ra các xác của rễ tranh, mía lau, và lá dứa ra. Thêm đường phèn vào khuấy cho tan, nước mía rễ tranh mía lau sau khi để nguội có thể uống với đá hoặc uống lạnh trực tiếp.
Rễ tranh mía lau - Bổ thận, thải độc gan
Trà hoa cúc nhãn nhục có thể giúp giảm căng thẳng và ổn định huyết áp nhờ tính chất thư giãn và tác động tích cực lên hệ thần kinh. Đồng thời, việc tiêu thụ trà hoa cúc cũng giúp cải thiện chất lượng giấc ngủ, giúp bạn dễ chịu hơn trong những ngày hè oi ả.
Để nấu trà hoa cúc nhãn nhục, bạn chuẩn bị các nguyên liệu sau:
10g hoa cúc khô
10g nhãn nhục
Ít đường phèn
1 lít nước lọc
Bạn ngâm hoa cúc và nhãn nhục với nước cho mềm, sau đó bắc lên bếp nấu cùng với nước lạnh. Đến khi nước sôi, đợi thêm 5-10 phút nữa thì tắt bếp. Vớt hoa cúc ra và cho thêm đường phèn vào khuấy tan. Đợi nguội bớt là có thể uống được.
Thư giãn tinh thần với trà hoa cúc nhãn nhục
Mùa hè nóng bức khó chịu, nếu một ly nước mát không thể thỏa mãn cơn khát của bạn, sao không chọn cho mình một quán nước ngon lành với không gian mát lạnh, trốn nóng giữa trời nắng Sài Gòn!
Hay là thử ghé AEON MALL Tân Phú Celadon nhé, tại đây bạn có thể ghé Bobapop (tầng 2) uống trà Alisan, trà Thiết Quan Âm thanh mát, hay vào Shuyi (tầng trệt) thưởng thức trà sữa thạch thiên nhiên ngọt dịu. Nếu như bạn thích sự mát lạnh, sảng khoái, một viên kem từ Dairy Queen (tầng trệt), iGelato (tầng 2) hay Quiches (tầng 2) phải gọi là tuyệt vời!